Top

Tin tức

Giống lúa thích nghi với biến đổi khí hậu 
29/05/2013, 10:14:23 AM , Post by Administrator
Nông dân các nước Nam Á hiện đang chuyển sang canh tác giống lúa chịu ngập nhằm thích nghi với tình trạng lũ lụt gia tăng do biến đổi khí hậu gây ra.

Nông dân các nước Nam Á hiện đang chuyển sang canh tác giống lúa chịu ngập nhằm thích nghi với tình trạng lũ lụt gia tăng do biến đổi khí hậu gây ra.giong-lua-moi

Nhà khoa học Uma Shankar Singh, hiện đang làm việc cho Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) ở Philippine,  khẳng định: “Giống lúa chịu ngập là một ví dụ kinh điển về sự thích nghi với biến đổi khí hậu”. 

Ông Singh cho biết IRRI dự kiến sẽ cấy gene của giống lúa chịu ngập SUB1vào các giống lúa thông dụng ở châu Á nhằm nâng khả năng chịu ngập của cây lúa lên tới hơn 2 tuần. Ông nói thêm: “IRRI sẽ cấy gene chịu ngập SUB1 vào phần lớn các giống lúa thông dụng ở châu Á, với sự giúp đỡ của các viện nghiên cứu quốc gia, vì cây lúa ngày càng phải thích nghi với tình trạng ngập lụt do biến đổi khí hậu gây ra”. Từ chỗ chuyên cung cấp các giống lúa chịu ngập đã được kiểm chứng, IRRI hiện đang bắt đầu hỗ trợ các cơ quan chính phủ và các công ty giống tư nhân tuyên truyền và cung cấp nhiều loại giống lúa tốt cho nông dân. Các giống lúa mới thường mất 4-5 năm kiểm nghiệm trên thực địa và mất 2-3 năm để đến với nông dân.

Sau khi cấy gene SUB1thành công vào giống lúa “Swarna” nổi tiếng của Ấn Độ để tạo ra giống lúa mới “Swarna-SUB1”, các nhà khoa học  của IRRI đã công bố giống lúa này hồi tháng 8/2009 và hy vọng đây là giống lúa thay thế thích hợp tại các khu vực thường xuyên bị ngập lụt ở châu Á. Theo IRRI, các giống lúa được cấy gene SUB1” có thể “chịu ngập tới 17 ngày, trong khi vẫn duy trì được những phẩm chất vốn có”. “Swarna-SUB1” vừa có khả năng chịu ngập cao, vừa duy trì được các đặc tính chống sâu bệnh của giống lúa “Swarna”.

Kể từ tháng 8/2009, IRRI đã phân phối giống lúa “Swarna-SUB1” cho 100.000 hộ nông dân ở Ấn Độ và giống lúa này hiện đã được trồng trên 12 triệu ha trên tổng số 44 triệu ha diện tích trồng lúa ở Ấn Độ.

Tại Bangladesh - một đất nước bị ngập lụt thường xuyên vào mùa mưa bão, giống “Swarna-SUB1” còn được gieo trồng phổ biến hơn. Năm 2009, Trường ĐHTH Công nghệ Bangladesh (BUET) và Trung tâm Nghiên cứu khí tượng của Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) đã sử dụng các số liệu mô phỏng trên máy tính điện tử về giống lúa, đất canh tác, nước và khí hậu để đi đến kết luận rằng sản lượng lúa gạo của Bangladesh sẽ bị giảm một nửa vào năm 2070.

Theo ước tính của  IRRI, mỗi năm nông dân Ấn Độ và Bangladesh bị thiệt hại tới 4 triệu tấn thóc do lũ lụt và do nhiều giống lúa chỉ chịu ngập trong vòng chưa đầy một tuần.

Chỉ có điều, không phải tất cả mọi người đều tán thành việc cấy gene chịu ngập vào các giống lúa truyền thống. Chuyên gia Devinder Sharma của Diễn đàn Công nghệ sinh học và An ninh lương thực có trụ sở ở New Delhi nói: “Người ta có thể biết sẽ nhận được gì khi cấy SUB1 vào các giống lúa địa phương, nhưng không thể biết đang mất đi những gì trong nhiều thập kỷ tới”. Theo ông, hiện có tới hàng nghìn giống lúa và mỗi giống đều đã thích nghi với những điều kiện địa lý, khí hậu của từng vùng. Việc nước mặn tràn ngập nhiều vùng duyên hải của Ấn Độ sau trận sóng thần khủng khiếp năm 2004 đã sản sinh ra nhiều giống lúa chịu mặn, có khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu khiến cho mực nước biển dâng cao.

Nhà khoa học nông nghiệp Suman Sahai cũng cho rằng khả năng chịu ngập chỉ là một trong những phẩm chất mà nông dân mong muốn ở cây lúa. Bà Sahai là người sáng lập ra “Phong trào bảo vệ gene” hậu thuẫn cho Ngân hàng giống cây trồng của bang Jharkhand, miền trung Ấn Độ, nơi hiện đang bảo tồn tới 2.000 giống lúa truyền thống. Bà cho rằng về lâu về dài, an ninh lương thực trông cậy vào việc bảo tồn tính đa dạng sinh học và các giống vốn đã thích nghi với điều kiện canh tác của từng địa phương. Bà Sahai nói: “Nếu các khu vực duyên hải bị ngập nước, giống lúa trồng ở đây không chỉ cần có khả năng chịu ngập mà còn có khả năng chịu mặn nữa”.  Đó là chưa kể biến đổi khí hậu còn sản sinh ra nhiều loại sâu bệnh mà cho đến nay con người chưa từng biết đến. Chính vì vậy mà việc bảo tồn đa dạng sinh học để duy trì được các nguồn gene quí hiếm là vô vùng cần thiết.

 

 

Thống kê

  • Lượt ghé thăm: 1,520,565
  • Lượt truy cập: 1,934,302
  • Đang xem: 12 (12 khách)
Thành công!